Phúc lợi nhân viên

“Lợi ích kép” khi áp dụng kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế

Cập nhật478
0
0 0 0 0
Kết nối máy tính với cơ quan thuế không những giúp cơ quan thuế dễ quản lý mà còn giúp người kinh doanh thực hiện nộp thuế đơn giản hơn, tránh trường hợp kê khai gian dối hoặc không tự giác kê khai.
Luật sư (LS) Nguyễn Minh Anh - Giám đốc Công ty Luật Trí Minh cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam.
Luật sư (LS) Nguyễn Minh Anh - Giám đốc Công ty Luật Trí Minh cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam.

PV: Tại dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ yêu cầu các trung tâm thương mại, siêu thị, hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, bán lẻ... khi xuất hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền phải được định dạng chuẩn, được kết nối với cơ quan thuế. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

LS. Nguyễn Minh Anh: Theo tôi, việc có thể kết nối dữ liệu điện tử từ máy tính tiền của các cửa hàng, cơ sở kinh doanh, trực tiếp đến cơ quan quản lý thuế sẽ đem lại hiệu quả lớn trong quản lý thuế. Đó là việc các cửa hàng, cơ sở kinh doanh, tự thống kê và cơ quan quản lý kiểm tra sau đó sẽ dễ dàng hơn trong việc kiểm tra, rà soát. Hiệu quả mang lại ở tất cả các khâu trong hoạt động thanh kiểm tra thuế như việc cán bộ thuế có thể ngồi tại cơ quan cũng có thể kiểm tra được nhiều cơ sở kinh doanh ở nhiều nơi. Điều này sẽ tiết kiệm rất nhiều chi phí, nhân lực cho cơ quan thuế. Việc kiểm tra đối soát dữ liệu cũng nhanh hơn do có công cụ tìm kiếm từ hệ thống.

LS. Nguyễn Minh Anh
PV: Ông có cho rằng, Việt Nam bây giờ mới thực hiện quy định này là muộn so với các nước khác trong quản lý thuế? Ông nghĩ sao về tính khả thi của đề xuất này khi đưa vào áp dụng?

LS. Nguyễn Minh Anh: Việt Nam đang trên đà phát triển. Do đó, việc học  và có thể làm theo các giải pháp hiện đại trong quản lý thuế ở các nước phát triển trên thế giới là một tín hiệu đáng mừng. Điều đó chứng tỏ Việt Nam đang ngày càng hội nhập với thế giới và giải pháp này là khả thi.

Tuy nhiên, cũng giống như việc trước đây có đề xuất sử dụng thẻ tín dụng 100%, quy định này đòi hòi các cửa hàng, cơ sở kinh doanh,... cũng có sự phát triển và đầu tư tương xứng. Với mô hình kinh doanh phổ biến của các cơ sở kinh doanh hiện nay là hộ gia đình với các cửa hàng nhỏ, họ không có đủ tiềm lực kinh tế cũng như trình độ để vận hành hệ thống như vậy, mặc dù nó không phức tạp nhưng đòi hòi một thói quen sử dụng công nghệ đến từ người dân. Vì vậy, cần có một lộ trình triển khai cụ thể để đạt được hiệu quả tốt nhất.

PV: Ông có cho rằng đây sẽ là giải pháp quản lý thuế hiệu quả, chống thất thu và đảm bảo sự minh bạch, công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế giữa các loại hình kinh doanh với nhau?

LS. Nguyễn Minh Anh: Áp dụng kết nối máy tính tiền với cơ quan thuế mang lại “lợi ích kép” cho cả cơ quan thuế và người nộp thuế là các cửa hàng, siêu thị… Nó không những giúp cơ quan thuế dễ quản lý mà còn giúp người kinh doanh thực hiện nộp thuế đơn giản hơn, tránh trường hợp kê khai gian dối hoặc không tự giác kê khai. Đồng thời, việc kết nối máy tính sẽ giúp việc quản lý thuế trong các lĩnh vực này được minh bạch, qua đó đem lại sự công bằng trong thực hiện nghĩa vụ thuế giữa các loại hình kinh doanh với nhau. 

Dự kiến áp dụng từ 1/7/2022

Dự thảo thông tư hướng dẫn Nghị định 123 nêu rõ, tổ chức, cá nhân (không gồm hộ khoán) như trung tâm thương mại, siêu thị, quán ăn, nhà hàng, khách sạn… sẽ sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền kết nối với cơ quan thuế. Quy định này dự kiến sẽ được áp dụng từ 1/7/2022.Tôi cho rằng, đây sẽ là một giải pháp tốt trong thời điểm hiện tại, nhưng đến khi nó được áp dụng thực tế thì còn cần xem xét nhiều yếu tố tác động khác. Nếu như hiện nay việc ăn gian thuế xảy ra theo cách thủ công, đó là các cơ sở kinh doanh cùng với người mua hàng thống nhất không xuất hoá đơn, qua đó cơ sở kinh doanh khai gian thuế,... thì tương lai khi áp dụng biện pháp này sẽ phát sinh ra các hình thức ăn gian điện tử. Bởi hiện nay, tội phạm an ninh mạng cũng đang ngày càng phức tạp. Vì vậy, cần có một giải pháp giải quyết triệt để việc chỉnh sửa dữ liệu, thay thế hay copy dữ liệu ví dụ như công nghệ blockchain để giải quyết vấn đề này.

PV: Theo ông, để quy định này được thực hiện thuận lợi khi đưa vào áp dụng trong thời gian tới thì cần chú ý điều gì về sự phối hợp giữa cơ quan thuế và các cửa hàng, siêu thị, hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống….?

LS. Nguyễn Minh Anh: Như đã phân tích ở trên, giống như việc ứng dụng giấy đi đường trên địa bàn Hà Nội trong thời gian gần đây, khi ứng dụng những cái mới luôn cần sự làm quen của người dân, mặt khác cũng cần sự điều chỉnh, thay đổi sao cho phù hợp với thực tế sử dụng. Nên theo quan điểm cá nhân tôi, cần thí điểm ứng dụng trên một số địa bàn trước khi quyết định có đưa vào áp dụng trên phạm vi cả nước hay không. Các địa bàn này thực hiện thí điểm cần đảm bảo về sự đa dạng trọng hoạt động kinh doanh, đa dạng về quy mô kinh doanh và trình độ nhận thức của người dân.

Bên cạnh đó, điều quan trọng là phải đảm bảo kết nối giữa cơ quan thuế và các cửa hàng, siêu thị, hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống, bán lẻ… luôn thông suốt. Để làm được điều này, cần có đánh giá cụ thể và chuẩn bị sẵn sàng về hệ thống công nghệ thông tin của cả ngành thuế và các cửa hàng, siêu thị, đáp ứng nhu cầu kết nối thông tin.

PV: Xin cảm ơn ông!  
 
 Cần đảm bảo đồng bộ về hạ tầng

Nhiều ý kiến cho rằng, việc điện tử hóa công tác quản lý thuế như đề xuất trong dự thảo thông tư hướng dẫn Luật Quản lý thuế và Nghị định 123/2020/NĐ-CP quy định về hóa đơn, chứng từ của Bộ Tài chính là phù hợp với xu hướng quản lý thuế hiện đại của quốc tế và có tính khả thi cao. Bởi ngành dịch vụ bán lẻ tại Việt Nam phát triển mạnh trong thời gian qua, cũng như xu hướng thanh toán không dùng tiền mặt đang ngày càng được ưa chuộng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cũng đã chỉ ra những khó khăn nhất định hiện nay khi kết nối hệ thống quản lý bán hàng tại các cơ sở kinh doanh đến cơ quan thuế, đó là vấn đề đồng bộ về hạ tầng. Hiện vẫn còn tồn tại một lượng lớn các điểm bán hàng không dùng phần mềm, không có máy tính để lưu trữ và khởi tạo hoá đơn. Đây sẽ là trở ngại để ứng dụng công nghệ vào kiểm soát bán hàng của cơ quan thuế. Bên cạnh đó là vấn đề đảm bảo sự nhất quán về các phần mềm quản lý giữa các cơ sở kinh doanh với cơ quan thuế. Đồng thời, một yêu cầu đặt ra phải đảm bảo được an toàn kết nối giữa cơ quan thuế và cơ sở kinh doanh, để đảm bảo an toàn cơ sở dữ liệu và bảo vệ các thông tin đó khỏi các nỗ lực tấn công của tội phạm mạng. Việt Nam có thể xem xét bài học kinh nghiệm từ một số quốc gia phát triển đã và đang áp dụng hiệu quả hình thức này để đưa ra phương thức thực hiện phù hợp với thực tiễn tại Việt Nam.
Luật sư (LS) Nguyễn Minh Anh - Giám đốc Công ty Luật Trí Minh cho biết như vậy khi trả lời phỏng vấn của phóng viên Thời báo Tài chính Việt Nam.
Ngoài ra, sự hỗ trợ của hoạt động thanh toán không tiền mặt sẽ hỗ trợ nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế, hạn chế tối đa thất thu. Mặc dù xu hướng thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam đang có những chuyển biến tích cực trong thời gian gần đây, nhưng vẫn chưa đạt được như kỳ vọng. Theo giới chuyên gia, để tiến tới tài chính toàn diện quốc gia, các chương trình về thanh toán không tiền mặt cần được thúc đẩy quyết liệt hơn nữa. Đơn cử như việc thí điểm Mobile Money nên sớm được đi vào thực hiện, giúp thay đổi thói quen của người tiêu dùng. Như vậy, việc kết nối các thông tin, giao dịch không có những điểm đứt gãy và dễ dàng kiểm soát hơn, hỗ trợ việc quản lý thuế hiệu quả và hiện đại hơn.
Nguồnhttp://thoibaotaichinhvietnam.vn/pages/thue-voi-cuoc-song/2021-09-16/loi-ich-kep-khi-ap-dung-ket-noi-may-tinh-tien-voi-co-quan-thue-111208.aspx
Lượt xem17/09/2021
0 0 0 0
Chia sẻ bài viết

Tin Nổi bật

Tin xem nhiều

Trang chủ Liên hệ Tìm kiếm Tài khoản Danh mục
Hệ thống đang xử lý
Thông tin liên hệ của quý khách đã được gửi đến cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ nhanh chóng tiếp nhận và phản hồi thông tin cho quý khách trong thời gian thích hợp nhất. Đóng