Phúc lợi nhân viên

NAVIGOS GROUP phát hành báo cáo Thị trường Nhân sự 2021

Cập nhật1243
0
0 0 0 0

NAVIGOS GROUP PHÁT HÀNH BÁO CÁO Thị trường Nhân sự 2021: Cơ hội việc làm – Thách thức trong tuyển dụng và Mức lương của người lao động


Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 02 năm 2021  – Navigos Group, tập đoàn cung cấp dịch vụ tuyển dụng nhân sự hàng đầu Việt Nam, công bố báo cáo về “Thị trường Nhân sự 2021: Cơ hội việc làm – Thách thức trong tuyển dụng và Mức lương hiện hành của người lao động”. Đây là báo cáo tổng quan đầu tiên của Navigos Group không chỉ bao gồm các cơ hội và thách thức về việc làm và tuyển dụng mà còn bao gồm mức lương của ứng viên trong khoảng 35 ngành trên thị trường. Báo cáo được công bố dựa trên việc phân tích kết quả của cuộc khảo sát với gần 6,000 ứng viên thuộc cơ sở dữ liệu của Navigos Group.  

NAVIGOS GROUP PHÁT HÀNH BÁO CÁO Thị trường Nhân sự 2021

I. Lương, thưởng, phúc lợi dành cho người lao động: toàn cảnh năm 2020

Lương, thưởng và chế độ phúc lợi là yếu tố hàng đầu được người lao động quan tâm khi chuyển việc
74% ứng viên tham gia khảo sát cho biết, lương thưởng và chế độ đãi ngộ là yếu tố quan trọng hàng đầu khi họ cân nhắc chuyển việc. Tiếp theo là các cơ hội thăng tiến và các cơ hội được đào tạo và phát triển, lần lượt chiếm 37% và 34%.

Tháng lương thứ 13 đang là phúc lợi lớn nhất của người lao động
Tháng lương thứ 13 đang đứng đầu về các khoản thưởng hay phúc lợi mà người lao động đang được hưởng với 82% ý kiến của ứng viên tham gia khảo sát. Đứng thứ hai là các phúc lợi về sức khỏe và y tế chiếm 51%. Phụ cấp đi lại, ăn uống, tiếp khách đang đứng thứ ba với 31% ý kiến.

Kỳ vọng không ngừng về lương, thưởng, phúc lợi từ người lao động là thách thức đối với doanh nghiệp trong việc thu hút và giữ chân nhân tài
Lương thưởng và phúc lợi là lý do thu hút người lao động đồng thời lương, thưởng và phúc lợi tốt hơn cũng sẽ là lý do ra đi của họ. Theo đó yếu tố đứng đầu khiến họ hài lòng với công việc hiện tại là lương, thưởng và chế độ đãi ngộ chiếm 45% người tham gia khảo sát. Đứng ngay sau đó là địa điểm làm việc và công việc ổn định đều chiếm 43%.

Kỳ vọng về lương, thưởng và chế độ đãi ngộ của người lao động trong yếu tố khiến họ hài lòng với công việc cũng như tìm kiếm cơ hội việc làm mới cũng đặt ra thách thức cho các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm và giữ chân người lao động

II. Các yếu tố hài lòng trong công việc từ phía người lao động

Chỉ 30% người lao động hài lòng với chế độ phúc lợi hiện tại
Khi được hỏi về sự hài lòng với chế độ phúc lợi hiện tại, chỉ có 30% người tham gia khảo sát cho biết họ hài lòng với các mức độ khác nhau. Theo đó 24% cảm thấy khá hài lòng, và chỉ 6% cảm thấy hoàn toàn hài lòng.

Có đến 45% người lao động cho biết họ cảm thấy chế độ phúc lợi hiện tại chỉ ở mức độ “bình thường” so với sự hài lòng của họ. Chiếm ¼ cảm thấy không hài lòng ở mức độ khác nhau, theo đó, 20% cảm thấy không hài lòng và 5% cảm thấy hoàn toàn không hài lòng.

Theo thống kê, có sự khác biệt về mức độ hài lòng về chế độ phúc lợi đãi ngộ giữa cấp trung (Quản lý, Giám sát) và nhóm ứng viên cấp cao (Phó Giám đốc, Giám đốc, Tổng Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc). Theo đó, khi được hỏi về mức độ hài lòng, chỉ khoảng ¼ nhóm cấp trung cho biết họ hài lòng với chế độ hiện tại. Đối với “Nhóm ứng viên cấp cao” chiếm gần 50% cho biết họ hài lòng với phúc lợi và đãi ngộ mà doanh nghiệp đang áp dụng cho họ.

Mức độ hài lòng với phúc lợi tỷ lệ thuận với cấp bậc (có kinh nghiệm và quản lý)
Khảo sát chỉ ra rằng, cấp bậc càng cao thì mức độ hài lòng với chế độ phúc lợi càng tăng. Theo đó, mức độ hài lòng của các nhóm có tỷ lệ như sau: 21% ứng viên mới ra trường đi làm, 26% nhóm ứng viên có kinh nghiệm trên 2 năm; gần 30% nhóm Giám sát/Trưởng nhóm; 35% nhóm Phó phòng;Trưởng phòng; Gần 50% đối với nhóm Giám đốc/Phó giám đốc và Ban điều hành C-level.

52% người lao động sẽ đi tìm việc trong vòng từ 3 tháng – 6 tháng tới
Khi được hỏi các ứng viên có đang tìm kiếm công việc mới hay không, có 52% ứng viên cho biết họ sẽ tìm việc trong 3 tháng – 6 tháng tới; 13% sẽ tìm việc trong vòng 12 tháng tới.

Khác biệt trong các cấp bậc khi khi tìm việc làm mới
Kết quả khảo sát chỉ ra “Lương thưởng và chế độ phúc lợi” luôn là yếu tố hàng đầu được tất cả các cấp bậc quan tâm khi chuyển việc. Tuy nhiên, bên cạnh đó các nhóm vẫn có sự khác biệt về những yếu tố còn lại. Đơn cử như “Nhóm ứng viên cấp cao”  bao gồm Giám đốc, Tổng Giám đốc/Phó Tổng Giám đốc coi trọng những yếu tố khác biệt khi tìm việc hơn so với các cấp còn lại. Theo đó, đối với “Nhóm ứng viên mới ra trường”, “Nhóm đi làm có kinh nghiêm”, “Nhóm Giám sát/Quản lý”, “Nhóm Trưởng phòng”, đều cho rằng 3 yếu tố quan trọng nhất khi họ tìm việc lần lượt là: Lương thưởng chế độ đãi ngộ, Cơ hội thăng tiến, Cơ hội đào tạo.

Cấp Phó giám đốc, Giám đốc cho biết 3 yếu tố hàng đầu khi họ chuyển việc lần lượt là Chế độ lương thưởng phúc lợi – Văn hóa công ty – Phong cách người Quản lý.

Đối với ứng viên thuộc Ban điều hành cấp bậc Tổng Giám đốc/Phó Tổng Giám đốc, 3 yếu tố họ quan tâm nhiều nhất khi chuyển việc lần lượt là Chế độ lương, thưởng, phúc lợi – Cơ hội cân bằng công việc và cuộc sống – Phong cách Quản lý.

III. Kỳ vọng về mức lương trong năm 2021

43% ứng viên chưa từng đề xuất tăng lương trong năm 2020
Bảng khảo sát cho thấy 43% người tham gia chia sẻ họ chưa từng đề xuất tăng lương trong năm 2020. 42% cho biết họ vẫn được tăng lương trong năm nay với các mức tăng từ dưới 3% đến trên 20%.

61% người đi làm kỳ vọng sẽ tăng lương trong năm 2021
Người lao động thể hiện sự kì vọng lớn với việc tăng lương trong năm 2021. Khi được hỏi quan sát của ứng viên về việc tăng/giảm lương tại doanh nghiệp, 10% người tham gia khảo sát cho biết mức lương của họ sẽ giảm từ dưới 3% đến hơn 20%; 18% cho rằng mức lương sẽ không thay đổi. 61% còn lại cho rằng mức lương của họ sẽ được điều chỉnh theo những tỷ lệ nhất định, từ 3% đến trên 20%.

Quản lý cấp trung là nhóm đề xuất tăng lương nhiều nhất
Khi được khảo sát về việc đề xuất tăng lương, nhóm nhân viên cấp trung (cụ thể là Giám sát/ Trưởng nhóm) thể hiện là nhóm đề xuất tăng lương nhiều nhất. Theo đó, có đến 65% cho biết họ đã từng đề xuất tăng lương và theo những tỷ lệ khác nhau.

Đối với các nhóm Phó giám đốc/Giám đốc, Phó phòng/Trưởng phòng, Ban điều hành C-level (cấp Phó Tổng Giám đốc/Tổng Giám đốc), tỷ lệ ứng viên đã từng đề xuất chiếm vào khoảng gần 50%.

Riêng đối với nhóm ứng viên mới ra trường là nhóm có tỷ lệ ít đề xuất tăng lương nhất, chiếm vào khoảng 44% cho biết họ đã từng đề xuất tăng lương.

Ảnh hưởng của Covid và triển vọng về nền kinh tế Việt Nam qua góc nhìn của ứng viên
26% người lao động bị cắt giảm lương
Bản khảo sát cho thấy có 26% ứng viên tham gia cho biết họ bị cắt giảm lương ở nhiều mức khác nhau, từ 10% – 50% so với trước khi có dịch Covid-19. 74% ứng viên còn lại cho biết mức lương họ chia sẻ trong bảng khảo sát này không bị thay đổi.

Cấp cao là nhóm ứng viên có mức lương chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ Covid-19
Nhóm ứng viên cấp cao, cụ thể là Ban điều hành, cấp Tổng Giám đốc/Phó Tổng Giám đốc là nhóm chịu ảnh hưởng nhiều nhất bởi Covid-19. Theo đó, 40% người tham gia khảo sát thuộc nhóm ứng viên này cho biết mức lương của họ bị cắt giảm ở nhiều tỷ lệ khác nhau. Nhóm Giám đốc/Phó Giám đốc là nhóm xếp thứ hai chịu ảnh hưởng khi có đến 32% cho biết họ bị cắt giảm lương.

Hơn 50% người lao động lạc quan về triển vọng nền kinh tế của Việt Nam
Mặc dù khảo sát được thực hiện trong thời kỳ Covid-19, có đến hơn 50% người tham gia khảo sát vẫn thể hiện sự lạc quan nhất định về triển vọng nền kinh tế của Việt Nam. Theo đó, có 17% cho biết nền kinh tế sẽ tăng trưởng mạnh, 35% cho biết nền kinh tế sẽ tiếp tục được giữ vững. 31% cho rằng nền kinh tế sẽ suy giảm và 17% không đưa ra ý kiến.

Sự lạc quan về sự tăng trưởng tỷ lệ nghịch với cấp bậc
Thống kê cho thấy có sự chệnh lệch giữa các cấp bậc về sự lạc quan tăng trưởng. Theo đó, sự lạc quan lại tỷ lệ nghịch với cấp bậc. Cấp càng cao thì sự lạc quan về tăng trưởng càng giảm so với các cấp thấp hơn.

Theo đó, có đến 58% nhóm ứng viên mới ra trường đi làm cho biết họ lạc quan về kinh tế Việt Nam sẽ giữ vững ổn định hoặc tăng trưởng. 53% nhóm Trưởng nhóm/Giám sát có cùng ý kiến này; nhóm Trưởng phòng/Phó phòng cũng chiếm đến ½ chia sẻ cùng quan điểm.

Đối với Ban điều hành, cấp Tổng Giám đốc/Phó Tổng Giám đốc, có 51% cho rằng nền kinh tế sẽ ổn định và tăng trưởng. Tuy nhiên bên cạnh đó có đến 35% cho rằng sẽ suy giảm. 38% nhóm ứng viên thuộc cấp Giám đốc/Phó giám đốc; 37% Trưởng phòng/Phó phòng cũng đồng tình về sự suy giảm này. Chỉ 30% nhóm Trường nhóm/Giám sát và 22% nhóm ứng viên mới ra trường cho biết họ nghĩ rằng nền kinh tế sẽ suy giảm trong năm tới.

IV. Đề xuất của Navigos Group

Việc phát hành bản báo cáo về Thị trường Nhân sự năm 2021 này của Navigos Group nhằm giúp cho các doanh nghiệp trở nên cạnh tranh hơn trong việc thu hút và giữ chân nhân sự giỏi. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng có cơ sở để điều chỉnh mức lương dựa trên thực tế của thị trường. Ngoài ra, báo cáo này cũng có thể giúp doanh nghiệp một lần nữa hiểu rõ các yếu tố quan trọng của ứng viên khi họ gia nhập công ty hoặc rời bỏ tổ chức.

Một số các đề xuất của Navigos Group:
  • Cải tiến, xây dựng cơ chế lương thưởng cạnh tranh dựa trên thực tế của thị trường và tiềm lực của doanh nghiệp
  • Cải tiến, xây dựng chế độ phúc lợi xã hội có giá trị thực tiễn đối với người lao động
  • Hiểu rõ đội ngũ quản lý cấp trung và cấp cao để từ đó xây dựng các cơ chế lương, thưởng và các chế độ phúc lợi phù hợp với từng nhóm đối tượng
  • Xây dựng, cải tiến lộ trình về nghề nghiệp cho đội ngũ nhân viên, qua đó xây được các cơ chế tăng lương, thưởng một cách hợp lý cho từng nhóm đối tượng
NguồnTổng hợp
Lượt xem21/07/2021
0 0 0 0
Chia sẻ bài viết

Tin Nổi bật

Tin xem nhiều

Trang chủ Liên hệ Tìm kiếm Tài khoản Danh mục
Hệ thống đang xử lý
Thông tin liên hệ của quý khách đã được gửi đến cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ nhanh chóng tiếp nhận và phản hồi thông tin cho quý khách trong thời gian thích hợp nhất. Đóng