Nghệ thuật ủy quyền

Covid-19 đòi hỏi người lãnh đạo biết 'làm sếp chính mình'

Cập nhật262
0
0 0 0 0
Lãnh đạo có nhiều phong cách, tuy nhiên cần biết vạch ra mục tiêu, quản lý rủi ro, cảm xúc... nhằm điều hành tốt doanh nghiệp, nhân sự.

Bàn về kỹ năng quản trị, bà Nguyễn Thị Thanh Hương - Phó tổng giám đốc Công ty Tư vấn nhân sự Talentnet với 30 năm kinh nghiệm trong ngành có buổi chia sẻ cùng VnExpress.

- Hai phong cách leader và boss có sự khác biệt gì thưa bà?

- Theo quan sát của tôi, boss là một người sếp đầy uy quyền. Người này toát ra năng lượng áp chế mà ai cũng phải tuân theo; chỉ có tuân lệnh, không có tranh luận. Đây là nhóm thường mong muốn được nhân viên nể và sợ.

Còn leader là người chỉ ra con đường phát triển, điểm tựa lòng tin của nhân viên, khiến họ hăng hái đi theo. Các lãnh đạo thuộc nhóm leader không có chủ ý muốn nhân viên sợ hãi mà hướng đến mối quan hệ hài hòa.

Đa phần người sếp hiện đại có khuynh hướng xây dựng hình mẫu leader thay vì boss. Dù thuộc nhóm nào, yếu tố cốt lõi để thành công là chính mỗi người cần làm tốt công việc làm sếp của chính mình.

- Công việc làm sếp của chính mình cụ thể như thế nào?

- Tôi ví dụ, khi yêu cầu nhân viên báo cáo, chính sếp cần quản lý tốt mong muốn của bản thân đặt ra: nội dung cần có gì, hình thức phải ra sao, phục vụ mục đích gì...

Sếp cũng nên quản lý chặt chẽ rủi ro khi phân công, như anh A làm nhanh nhưng ẩu, chị B làm chậm mà chắc, chú C chỉ làm đúng yêu cầu, em D luôn có xu hướng phá cách, vậy nên giao cho ai? Ngoài ra, quản trị cảm xúc là một trong những tố chất cần có của sếp: khi giao việc nên có thái độ thế nào, khi nhận thành phẩm phản ứng ra sao...

Quản lý tốt những yếu tố do bản thân định đoạt, tôi tạm gọi là làm sếp của chính mình.

Nếu thất bại trong việc làm sếp chính mình, người theo hình mẫu boss chỉ dừng lại ở mức độ có thể khiến nhân viên sợ chứ không nể, còn người đang xây dựng phong cách leader không thể tròn vai dẫn dắt.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương chia sẻ về kinh nghiệm trong vị trí lãnh đạo.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hương chia sẻ về kinh nghiệm trong vị trí lãnh đạo. Ảnh: NVCC


- Điều này ảnh hưởng đến việc xây dựng phong cách lãnh đạo ra sao?

- Việc lãnh đạo cũng giống như phối đồ, mỗi người đều có một phong cách riêng. Cùng một bộ quần áo, hai người sẽ có hai kiểu phối đồ khác nhau, tùy vào tư duy và gout thẩm mỹ. Tương tự, cùng một hệ giá trị cốt lõi, mỗi người sẽ có cách thể hiện khác biệt, tạo nên phong cách lãnh đạo riêng.

Tôi nghĩ, quan trọng hơn việc tìm tòi và xác định phong cách lãnh đạo, người gánh trên vai trách nhiệm làm sếp cần củng cố cốt lõi bên trong: kỹ năng, kiến thức, tư duy, tầm nhìn, cảm xúc...

- Vậy bà thiên về phong cách nào?

- Như đã chia sẻ ở trên, tôi chú trọng xây dựng cốt lõi bên trong và phong cách sẽ là thứ tự nhiên thể hiện ra bên ngoài. Vì vậy, tôi không áp lực mình phải xây dựng phong cách gì, cần giữ hình mẫu ra sao.

Cũng như cách tôi ví von phong cách lãnh đạo như phối quần áo, cách phối đồ của tôi có thể thuận mắt người này nhưng không hợp nhãn người kia. Tôi hiểu và tôn trọng điều đó, nên không đặt chỉ tiêu mình phải được lòng tất cả nhân viên. Áp lực hình mẫu với tôi là con số không.

Vì cuộc đời không trả castse, nên chúng ta không cần phải diễn là câu các bạn trẻ hay nói với nhau. Áp vào công việc làm sếp của mình, tôi thấy đúng. Một diễn viên chuyên nghiệp nếu phải đóng kịch mỗi ngày cũng sẽ tới lúc đuối sức. Tương tự, không ai có thể gồng để giữ gìn hình mẫu lãnh đạo hoàn hảo từ ngày này qua ngày khác, năm này sang năm khác. Vì vậy, cách bền vững nhất chính là thể hiện con người thật khi ngồi trên ghế sếp.

Cách này vừa dễ vừa khó. Dễ ở chỗ bạn không phải gồng, khó ở chỗ con người thật của bạn phải thật sự có giá trị. Để mang đến cho nhân viên một người sếp có giá trị, lại quay về câu chuyện phải làm sếp chính mình.

- Câu chuyện làm sếp chính mình trong bối cảnh Covid-19 đặt ra những yêu cầu gì?

- Nhà lãnh đạo cần trở thành một tổ hợp của trí tuệ và cảm xúc. Thật ra lãnh đạo trong giai đoạn nào cũng cần dung hòa hai yếu tố này, chỉ là dưới tác động của đại dịch, cả phần lý lẫn phần tình càng được tô đậm hơn.

Về lý, mọi người cần tỉnh táo tái định vị mục tiêu, chiến lược, ưu tiên của doanh nghiệp. Về tình, chúng ta ngày càng nghe nhiều về khái niệm lãnh đạo thấu cảm - yêu cầu người làm sếp đặt bản thân vào vị thế, tâm lý của nhân viên mà đối đãi, tăng cường giao tiếp hai chiều.

Cả hai việc này đều phải phát xuất từ bản thân lãnh đạo, đòi hỏi ý thức và kỹ năng làm sếp chính mình, quản lý tốt những ưu tiên của công việc và cuộc sống.

- Bà có lời khuyên gì về cách thực hành lãnh đạo thấu cảm?

- Tôi không tự nhận bản thân thực hành thành công bốn chữ này. Tôi chỉ đơn thuần đối đãi với nhân viên theo cách mà họ mong được tiếp nhận.

Tôi cũng từng là nhân viên, hiểu rằng khi tiếp nhận một nhiệm vụ, điều họ cần nhất chính là vũ khí - những công cụ, trợ lực cần có và định hướng rõ ràng từ lãnh đạo. Vì vậy, khi giao việc tôi bày tỏ cụ thể nguyện vọng, mục tiêu, chỉ tiêu dành cho đầu việc đó, đồng thời khuyến khích nhân viên sáng tạo trong cách xử lý, chia sẻ những khó khăn mà họ đang đối mặt để tôi có thể trang bị các nguồn trợ lực phù hợp.

Trong giao tiếp hàng ngày, tôi tin rằng từ những điều bình thường, chúng ta có thể tạo nên những kết nối sâu sắc miễn là bạn phải thực sự quan tâm và biết lắng nghe. Để ý hoàn cảnh gia đình từng nhân viên, động lực làm việc, đam mê, sở thích và thói quen của họ và bắt đầu những cuộc trò chuyện ngắn là những việc nhỏ tôi hay làm.

Tôi cũng tin rằng, nếu muốn nuôi dưỡng phẩm chất nào đó ở đội ngũ, bản thân mình phải là người thực hành đầu tiên. Muốn các bạn chủ động, tôi phải là tấm gương. Muốn các bạn dám bứt phá, vượt lên chính mình tôi phải đứng ra thị phạm. Làm sếp chính mình cũng chính là bước đầu tiên để một người sếp khơi gợi, kích hoạt sức mạnh của đội ngũ kế thừa.

- Với kinh nghiệm của bà, làm thế nào để nhân viên tự tin và giúp họ phát triển?

- Để một người sếp nhìn thấy khả năng của đội ngũ lao động thì dễ, nhưng có thể khiến nhân viên tin vào khả năng của chính họ thì không dễ chút nào. Thông thường, sau giai đoạn làm gương, tôi sẽ bắt đầu giao các dự án khác nhau cho nhân viên thử sức. Một khi đã hoàn thành tốt những bước đầu tiên và tìm ra thế mạnh, họ sẽ bắt đầu nảy mầm sự tự tin. Sau đó, tôi giao các dự án có trách nhiệm tương tự nhưng nâng cấp độ khó. Bằng cách này, những kinh nghiệm cũ sẽ cho họ sự vững vàng, đồng thời thử thách mới sẽ giúp cơi nới và nâng trần khả năng.

- Với gần 30 năm làm việc và trải qua nhiều vị trí, từ sếp một đội nhóm, bộ phận cho đến một công ty, đâu là những bí quyết để tròn vai lãnh đạo?

- Để không bị chệch hướng khỏi con đường làm sếp chính mình, mỗi ngày tôi đều tự đặt ba câu hỏi: lựa chọn thông điệp gì cho mình trong ngày mới; hôm nay người nào, việc gì tôi muốn cảm ơn; tôi học được bài học gì sau một ngày làm việc. Bằng cách trả lời ba câu hỏi này, tôi có thể làm chủ cảm xúc và điều chỉnh hướng đi của mình.

 
NguồnMinh Huy - Vnexpress.net
Lượt xem08/10/2021
0 0 0 0
Chia sẻ bài viết

Tin Nổi bật

Tin xem nhiều

Trang chủ Liên hệ Tìm kiếm Tài khoản Danh mục
Hệ thống đang xử lý
Thông tin liên hệ của quý khách đã được gửi đến cho chúng tôi. Chúng tôi sẽ nhanh chóng tiếp nhận và phản hồi thông tin cho quý khách trong thời gian thích hợp nhất. Đóng